Làng Đại Yên Ngọc Hà, Ba Đình

Đại Yên cũng là một làng nằm trong khu vực Thập tam trại. Làng tiếp giáp đường Hoàng Hoa Thám (Đường Thành cũ) về phía Bắc, làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp về phía Đông, làng Vĩnh Phúc về phía Tây và đường Quần Ngựa (hay Đường Mới, tức phố Đội Cấn) về phía Nam.

Lịch sử

Hồi cuối Lê, đầu Nguyễn, làng là một trại thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, đến năm 1915 nâng lên thành một xã thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1941 đổi làm Đại lý đặc biệt Hà Nội). Năm 1926, làng có 376 nhân khẩu. Trong làng có các họ lớn là Hoàng (gốc làng Lệ Mật), Trần, Ngô, Trưng, Nguyễn, trước đây đều có nhà thờ họ. Nhà thờ họ Hoàng được đặt nơi tổ họ này từ Lệ Mật sang sinh cư lập nghiệp đầu tiên tại Đại Yên[6].

Làng nghề

Dân làng Đại Yên xưa kia sống bằng nghề trồng lúa, một bộ phận lớn dân làng có nghề trồng, khai cây thuốc Nam và chế biến các bài thuốc Nam. Nhiều gia đình chuyên bán thuốc Nam trong các chợ lớn ở thành phố. Để có được các gói thuốc Nam, người làng phi đi khắp các vùng quê, nhiều khi phi lên tận các vùng rừng núi để hái, có khi đánh cây về thuần dưỡng. Về sau, khi người Pháp vào, phố phường Hà Nội được mở rộng, người làng học thêm nghề trồng hoa. Hiện nay, do đất đai thu hẹp, nghề trồng hoa không còn, nghề trồng thuốc, làm thuốc Nam cũng đang mai một dần. Trước đây, một bộ phận nam giới trong làng rất thạo nghề xây dựng[6].

Di tích lịch sử, văn hóa

Trong địa phận làng Đại Yên xưa có gò đất cao rộng, gọi là núi Voi, tương truyền là nơi nuôi voi của triều đình xưa. Trên núi trước đây có một ngôi chùa. Vào năm 1892, tư sản Pháp Hômen đã câu kết với Chánh tổng tổng Nội để mua đứt quả núi này, đặt chỗ làm nhà máy rượu bia (nay là Công ty bia Hà Nội trên đường Hoàng Hoa Thám). Dân làng phản đối không được. Hôm Hômen chỉ huy lính khố xanh đến dỡ chùa, cụ Thủ từ và các bô lão trong làng ra cản nhưng không có kết quả[6].

Làng Đại Yên có ngôi đình ở giữa làng, nhìn hướng Tây về phía núi Cung và núi Cột Cờ, thờ vị thành hoàng là Công chúa Ngọc Hoa thờ Lý, có công đánh giặc phương Nam[6].

Cuối làng Đại Yên, ngay sát phố Đội Cấn có một ngôi chùa lớn là chùa Bát Tháp. Tương truyền, khu đất có ngôi chùa này chính là núi Vạn Bảo được ghi trong sử sách. Chùa Bát Tháp mới được đại tu năm Bính Thìn niên hiệu Khi Định (1916) vốn do ba chùa: Vạn Bo, Chéo Vang, và chùa Voi trên núi Voi nhập thành. Dựa vào ghi chép trong sách Thiền uyển tập anh, một số nhà nghiên cứu cho rằng, chùa Vạn Bo chính là chùa Chân Giáo - một ngôi chùa lớn của Kinh thành Thăng Long được xây năm Bính Tý (năm 1024) để Vua Lý Thái Tổ đến nghe tụng kinh và là nơi Vua Lý Huệ Tông tự vẫn vào năm Bính Tuất (1226) mà sử cũ đã ghi. Ngày nay, làng Đại Yên đã trở thành phố phường đông đúc[6].